Cần sớm đưa giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngang giá thị trường

Hải Triều

Thứ tư - 03/01/2024 10:18

 (TNPL) Cần sớm đưa giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngang giá thị trường. Cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hướng đến làm sao người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để mình có cuộc sống mới tốt hơn. Đây là những ý kiến chính trong phiên thảo luận kỳ họp Quốc hội sáng 2-11.

Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho biết, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tỷ trọng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong vốn tổng chi toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Do đó, đại biểu Lệ cho rằng, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ khả năng thực hiện của các dự án giai đoạn 2021 – 2025 một cách cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) nêu ý kiến thảo luận

Nhìn nhận một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu đánh giá hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện trong việc nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Từ thực tiễn của TPHCM, bà Lệ đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

“Cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hướng đến làm sao người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để mình có cuộc sống mới tốt hơn” – bà Lệ nêu quan điểm.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm tập trung quy hoạch, đề xuất với Quốc hội giải pháp phát triển, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn đến các tỉnh, thành cả nước.

Chung mối quan tâm, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, cần tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu chung của nền kinh tế. Theo đó, sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép – Thị Vải.

“Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tạo tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia” – ông Minh đánh giá.

Nếu đầu tư sớm 2 dự án đường sắt này, ông Minh tính toán, sẽ giúp giảm chi phí logistic và nhiều chi phí khác cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu giảm 2% chi phí logistic, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận 10 tỷ USD mỗi năm.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tham gia thảo luận

Nhận xét  những kết quả trong giải ngân đầu tư công vừa qua là động lực chính thúc đẩy, giữ nhịp cho tăng trưởng 2023 và mở ra không gian tăng trưởng mới, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) góp ý, thành phần kinh tế Nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược.

Lý do, theo ông Thịnh, kinh tế Nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư.

“Thông thường, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20 – 25 năm; nhưng đối với Nhà nước thì thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50, thậm chí 70 – 100 năm. Đây là 1 lợi thế tuyệt đối trong đầu tư” – ông Thịnh phân tích.

Cùng với đó, ông Thịnh chỉ ra, lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp, đa mục đích, cả kinh tế, xã hội, thậm chí cả quốc phòng, an ninh và chính trị. Lợi ích này không thể tính toán hết được về mặt kinh tế trong khi với nhà đầu tư tư nhân, việc quyết định đầu tư chỉ được xem xét khi NPV (giá trị hiện tại ròng) của dự án dương…

Từ các lập luận trên, ông Thịnh đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý, vận hành, khai thác các dự án này.

“Mà bắt đầu với tinh thần này thì việc Nhà nước mua lại các dự án BOT đường cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân hiện đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính của Dự án là phù hợp” – ông Thịnh gợi ý.

Lấy ví dụ dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, thu phí từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính. Mức phí đối với xe ô tô thấp nhất 2.000đ/km; cao nhất là container 7.200đ/km, với chiều dài 64km, chi phí bỏ ra là 128 – 461.000đ, thời gian thu phí 17 năm (từ 2020 – 2037).

“Là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe đi rất ít, do mức phí quá cao, trong khi tuyến Quốc lộ 1 chạy song song không thu phí” – ông Thịnh chỉ ra và cho rằng, nếu Nhà nước mua lại dự án này, giảm mức phí xuống còn 30%, thì tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài.

“Nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác” – ông Thịnh khẳng định.