Chôn lấp rác thải công nghiệp – “Nghi án” cần làm rõ !?

Đình Anh – Hồ Cường

Thứ tư - 03/01/2024 10:12

Chôn lấp rác thải công nghiệp – “Nghi án” cần làm rõ !?

Lợi dụng việc nhà xưởng nằm biệt lập, xa khu dân cư, Công ty TNHH Khang Thịnh (Khu Phố Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) nhiều năm qua đã “lén lút” chôn lấp hàng ngàn tấn rác thải công nghiệp. Mặc dù đã bị kiểm tra, nhưng vì hám lợi, doanh nghiệp “đen” này vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường trong sự “bất lực” của chính quyền địa phương!  

Doanh nghiệp “đen” tung hoành, thu lợi chục tỷ từ chôn lấp rác thải

Từ đơn tố giác của bạn đọc, đầu tháng 10, nhóm phóng viên đã vào tận “hang ổ” ghi lại nhiều bằng chứng chôn lấp rác thải tại doanh nghiệp (DN) “đen” này. Cơ sở tái chế trên nằm lọt thỏm giữa vùng trũng bao quanh toàn cao su và cây ăn trái, do nằm cách xa khu dân cư thôn Phước Tân hơn 1 km nên việc xâm nhập vào “sào huyệt” của DN này khá khó khăn. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phóng viên đã tiếp cận được hiện trường và chứng kiến được hành vi hủy hoại môi trường tại đây.

Hơn 10h trưa, giữa tiếng ồn của máy giặt, sấy… một mùi oai nồng của đủ loại hóa chất từ rác thải công nghiệp phát ra làm bầu không khí đặc quánh, gần chục người đang ngồi phân loại rác, từng kiện bọc nilong công nghiệp được các công nhân hối hả đưa vào máy để giặt rửa và đem đi tái chế thành các hạt nhựa công nghiệp, những loại nilong phẩm cấp xấu không thể xử li, tái chế thì được gom thành từng đống và nhanh chóng được xe xúc đem đi “phi tang”.

Mai Văn Tam – Phó chủ tịch UBND xã Bình Tân trao đổi với P.V

Cách chỗ xưởng phân loại không xa, thì một chiếc xe múc đang hì hục đào một mương thoát nước thải chảy ra dòng suối nhỏ cạnh đó. Anh Thanh – một người từng làm công ở đây chia sẽ: mỗi ngày họ phân loại, tái chế hơn 20 tấn nilong để làm hạt nhựa, thông thường họ chỉ tái chế được 40% thôi, số còn lại trở thành rác thải “thật” thì phải đem đi xử lí (đốt) để bảo vệ môi trường. “khâu xử lí rác thải loại này rất tốn kém nhưng vì hám lợi họ có xử lí gì đâu, tái chế hạt nhựa thành phẩm họ bán cả 10 triệu/1 tấn thu lợi hàng chục tỷ mỗi năm, 60% còn lại không tái chế được họ đem đi chôn lấp quanh đây, giờ đào lên thì toàn rác thải nilong thôi, họ chôn lấp bao nhiêu năm nay rồi, hàng ngàn tấn rác thải là ít mà có bị xử lí gì đâu” – Anh Thành bức xúc nói.

Hình ảnh “núi” rác thải công nghiệp lộ ra sau khi đã bị chôn lấp nhiều năm

Quan sát chất thải vừa được đào lên, PV mới kinh hoàng trước sự tàn phá, hủy hoại môi trường khủng khiếp của DN “đen” này, toàn bộ đất múc lên đổ thành đống cao hơn 5m đều là bọc nilong, mùi bùn đất lẫn rác thải oai mục sau nhiều năm “giấu kín” trong lòng đất “vô tình” lộ ra. Mương đào sâu tới đâu thì rác tới đó, toàn rác và rác, điều đó chứng tỏ là DN này đã “qua mặt” chính quyền làm bậy trong nhiều năm mà không hề bị phát hiện. Cách đó không xa, một con đường tạm mở để xe ben vận chuyển rác thải đi…”phi tang”. Chỉ vào con đường mới đắp sau cơn mưa lớn xói lộ ra cơ man nào toàn rác thải, anh Thành nói thêm: “cả khu vực quanh nhà xưởng này họ chôn lấp hết rồi, giờ cứ mưa lớn, đất bị xói mòn là lộ ra thôi, họ chôn tới đâu lấp đất tới đó để dấu đi, giờ do tái chế số lượng lớn nên tìm “bãi đáp” khác  thôi vì xung quanh hết chỗ rồi”.

Hình ảnh rác thải “lộ mặt” sau những trận mưa lớn

“Đầu độc” môi trường, thanh tra “bó tay”

Được thành lập năm 2010 do ông Tạ Thanh Thông làm giám đốc, Công ty TNHH Khang Thịnh có ngành nghề tái chế phế liệu, sản xuất hạt nhựa, sau khi lập Công ty “bình phong” nhằm qua mặt pháp luật, Công ty “đen” này đã “nhập khẩu” rác thải công nghiệp khắp nơi về tái chế. Năm 2014, Công ty ngưng hoạt động trở thành Công ty “ma” nhưng vẫn âm thầm “chôn lấp”. Sau 5 năm hoạt động “chui”, hàng chục ngàn tấn rác thải công nghiệp đã được doanh nghiệp “đen” này “phi tang” một cách thành công. Năm 2019, do cử tri phản ánh, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn 2714 chỉ đạo Sở TNMT tỉnh kiểm tra xử lí hành vi xả nước thải ra môi trường gây bức xúc người dân, tuy nhiên ông Nguyễn Đức Bá – Chánh thanh tra Sở làm trưởng đoàn kiểm tra vẫn không phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng trên, và DN “ma” này nghiễm nhiên “trót lọt” vượt qua cửa ải khó nhằn trên.

Biên bản kiểm tra do Chánh thanh tra Sở kí năm 2019.
Biên bản kiểm tra do Chánh thanh tra Sở kí năm 2019.

Thông tin mà PV xác minh được thì hiện tại ông Tạ Thanh Thông giám đốc Công ty “ma” này đã “ủy quyền” cho ông Tạ Tỷ (hơn 70 tuổi) cha của ông Thông để dễ bề né tránh pháp luật và cùng hợp tác với các DN “đen” khác  “ăn chia” lợi nhuận. Sau khi chứng kiến hành vi “chôn lấp” trên, PV đã cung cấp thông tin cho ông Mai Văn Tam – Phó chủ tịch UBND xã Bình Tân đề nghị kiểm tra sai phạm, tuy nhiên điều “bất thường” của biên bản do xã thành lập gồm địa chính, công an…phối hợp kiểm tra cũng tiếp tục không phát hiện ra vi phạm, mặc dù trước đó PV đã cung cấp khá nhiều bằng chứng “đầu độc” môi trường của DN “ma” này đến lãnh đạo xã. Có hay không việc “ngó lơ” sai phạm và tính “minh bạch” của các đoàn kiểm tra là điều cử tri bức xúc.

Việc DN “ma” cấu kết DN “đen” bức tử môi trường là rất rõ ràng, tuy nhiên hành vi trên vẫn ngang nhiên kéo dài trong nhiều năm mà không bị phát hiện chỉ vì một lí do duy nhất là….chưa “bị lộ” là điều bất thường cần phải làm rõ.