Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam

tinnongphapluat

Thứ tư - 03/01/2024 10:15

Ngày Quốc giỗ 10 tháng 3 là “đỉnh cao” của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam mà thông qua đó ý thức về cội nguồn hiện lên rõ nét: Người Việt gửi lòng mình tri ân công đức của tổ tiên, của các bậc tiền nhân.

Đông đảo du khách đến trảy hội

“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Từ hàng ngàn đời nay, đối với mỗi con dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức cội nguồn, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Núi Nghĩa Lĩnh nơi tọa lạc của Khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc thôn Cổ Tích, phường Hy Cương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là biểu tượng cụ thể nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự gắn bó cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền và dân tộc. Điều đó làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, làm nên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Có lẽ, trên thế giới chưa có nơi nào cả nước lại có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam.
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư” bản in Nội các quan bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697, bộ Quốc sử hoàn chỉnh đầu tiên của dân tộc, Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê đã đưa những thông tin khá vắn tắt về Hùng Vương: “Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn hai nghìn năm; buộc nút dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy . (Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê 1993: 18).
Khu vực núi Nghĩa Lĩnh sau đó được các vị vua nhà Nguyễn chọn cho xây dựng các công trình kiến trúc để thờ cúng Hùng Vương. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, năm 1894, vua Tự Đức đã khởi dựng Lăng Hùng Vương, mở đầu cho một giai đoạn xây dựng hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo trên núi Nghĩa Lĩnh mà cho đến nay nhiều di tích vẫn còn tồn tại. Bên cạnh di tích kiến trúc, nhiều câu đối và thơ chữ Nôm, chữ Hán cũng được cúng viếng tại Đền Hùng, nhiều văn thơ vịnh Đền Hùng cũng được đăng tải trong nhiều sách báo đầu thế kỳ XX (Lê Tư Lành dẫn theo Trịnh Sinh 2013: 45).
Đồng thời, những văn khắc còn lưu tại khu vực Đền Hùng cũng cho biết nhiều thông tin quý liên quan đến nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, trong đó có bia “Hùng miếu điển lệ bi” ở đền Thượng lập năm Khải Định thứ 8, tức năm 1923. Bia cho biết “phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3… Từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kinh tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái” (Vũ Kim Chung 2006:86).
Trước kia, Hội đền Hùng mở 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày mùng 10 là ngày chính hội cũng là ngày giã hội. Thời vua Lê Thánh Tông, ngày giỗ Tổ đã trở thành ngày Quốc lễ. Đến thời vua Tự Đức triều Nguyễn, việc này tiếp tục được duy trì. Lễ chính hội 5 năm một lần, chủ tế là quan Thượng Thư Bộ lễ; hội năm lẻ, Tuần phủ Phú Thọ làm đồng chủ  trì, chủ tế. Lễ được cử hành vào sáng mùng 10, về dự có các Tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế và các chức dịch Tổng lý các xã. Hội Đền Hùng có nhiều hoạt động văn hóa, trong đó, có các hoạt động phục vụ việc lễ và những trò giải trí phục vụ người dự hội. Khi xưa, trong lễ hội có diễn xướng mô phỏng lại sinh hoạt thời dựng nước của các vua Hùng như cách đi săn, chạy địch, rước hạt lúa thần, trò Trám, rước chúa Gái…
Không chỉ có phường Hy Cương nơi có đền Hùng làm giỗ mà nhiều xã khác ở Lâm Thao, Phù Ninh thờ Hùng Vương cùng vợ con tướng lĩnh của vua Hùng cũng mở hội tại làng và rước kiệu về Đền Hùng. Có gần 40 cỗ kiệu được rước từ đình làng các xã vùng ven di tích đến chầu ở Đền Hùng. Kiệu được xếp hàng ở chân núi để ban tổ chức chấm giải. Kiệu nào được giải Nhất, lần sau sẽ được rước lên Đền Thượng. Một đám rước như vậy được các làng các xã tổ chức rất công phu gồm ba kiệu đi liền nhau. Cỗ kiệu đầu bầy hương hoa, đèn nến, trầu cau, bình nước, mâm rượu. Cỗ kiệu thứ hai rước bài vị thành hoàng có lọng vàng che. Cỗ kiệu thứ ba rước bánh chưng, bánh dày hoặc xôi, thủ lợn. Tiếng trống, tiếng chiêng trang nghiêm thôi thúc, phường bát âm hòa tấu nhịp nhàng theo điệu “ Lưu thủy hành vân”, trai thanh mang đồ tế khí, nữ tú mang hương hoa, hộp trầu, quạt, các bô lão và chức dịch hàng đôi trang nghiêm bước sau kiệu. Khắp các con đường vào hội rực rỡ sắc màu, không khí vừa trang nghiêm vừa huyền bí làm náo nức lòng người, tâm tưởng hướng về tổ tiên.
Hội Đền Hùng xưa kia có khá nhiều trò chơi: đu tiên, ném còn, tổ tôm điếm, múa rối, cờ tướng, cờ người, kéo lửa nấu cơm thi. Đặc biệt là hát Xoan của các phường xoan gốc Kim Đức, An Thái trình diễn ở Đền Thượng. Ngoài hát Xoan còn có hát Nhả tơ của phường Do Nghĩa, Trinh Nữ tham gia hát thờ. Trai gái đến hội Đền Hùng còn hát ví giao duyên, có khi cuộc hát kéo dài hết đêm. Đu tiên là trò chơi có sức hút thanh niên nam nữ, đây là hình thức đu xe làm theo hình chiếc bàn đu, mỗi bàn một cô gái xinh đẹp của xã sở tại mang y phục lễ hội, đội mũ hoa sen. Các cô gái vừa đu vừa hát ví giao duyên với các chàng trai dự hội. Trò “Tứ dân chi nghiệp” (trò Tứ Trám) của tứ xã, Lâm Thao thu hút rất nhiều người xem. Đây là trò diễn trình nghề “tứ dân”: Sĩ , Nông, Công, Thương được thể hiện trong nhiều sinh hoạt đặc sắc của xã hội truyền thống với những trang phục, câu nói của người tham gia đóng các nhân vật gây cười, mua vui cho dân làng và những người dự hội. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, trò diễn này đã bị mai một, đến năm 1997 mới được khôi phục, có chỉnh lý nâng cao một số điệu múa dân gian và cách thức trình diễn đưa vào phục vụ lễ hội Đền Hùng. Hội đền Hùng còn có trò diễn dân gian của đồng bào Mường, huyện Thanh Sơn, Yên Lập như: Chàm Thau (đánh trống đồng), đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, hát giang, hát ví mang đến những âm thanh rộn rã, gợi nhớ hình bóng xã hội Hùng Vương thủa xưa.
Ngày nay, tại hội Đền Hùng, ngoài các hoạt động văn hóa, diễn xướng dân gian, một số môn thể thao dân tộc… còn có các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao hiện đại đáp ứng nhu cầu của đồng bào cả nước về dự hội, đặc biệt là lớp trẻ. Từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hiện đại đã được đưa vào lễ hội như: Biểu diễn văn công chuyên nghiệp, biểu diễn xiếc, ca nhạc, tạp kỹ, đốt cây bông, bắn pháo điện, pháo hoa, thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, cờ người… đã làm cho lễ hội Đền Hùng mang thêm sắc thái mới.
Những năm gần đây, tại lễ hội Đền Hùng ngoài các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trò diễn dân gian truyền thống đặc sắc của đất Tổ như: Hát xoan, hát ghẹo, đánh trống đồng, đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, rước kiệu của các xã cùng ven di tích như Kim Đức, Chu Hóa, Hùng Lô, Cao Mại, Đài Xá, Thạch Đình, Vi Sơn, Tiên Kiên, Vân Phú còn có biểu diễn của nhiều đoàn văn công Trung ương, tỉnh Phú Thọ và các tỉnh bạn. Đặc biệt là liên hoan dân ca Xoan Phú Thọ và dân ca các dân tộc được tổ chức tại trung tâm lễ hội khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ngoài ra phải kể đến các chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa các cùng miền trong cả nước của những tỉnh thành tham gia góp giỗ đã tạo thêm những mảng màu sắc đa dạng cho bức tranh văn hóa dân tộc trong kỳ lễ hội.

Cột đá thề ở khu di tích đền Hùng

Ngày 6/12/2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể hiện đại của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên một tổ chức có uy tín của Liên hợp quốc lại thừa nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới. Không những thế, UNESCO còn khuyến cáo các dân tộc khác hãy noi gương Việt Nam, biết nhớ tới cội nguồn và biết ơn tổ tiên của mình.
Hơn 10 năm sau ngày được vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới, chúng ta càng nhận ra sức mạnh cuả tín ngưỡng này đang được phát huy trong hiện tại và tương lai. Đó chính là sức mạnh cội nguồn, quy tụ được sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra quốc gia, dân tộc. Vì vậy, vượt qua thời gian, vượt lên các thể chế chính trị, Hùng Vương luôn được cả người dân lẫn các giai cấp cầm quyền tôn thờ và xây dựng các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng để thờ tự.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian còn bởi lẽ người dân tôn thờ Hùng Vương vì sự linh thiêng và đức tin. Đó chính là hai yếu tố cơ bản tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của nhân dân ta vua Hùng là vị vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Về Đền Hùng là về nơi trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn đất nước, là một hành động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thể hiện lòng biết ơn với công lao dựng nước của các Vua Hùng- Tổ chung của dân tộc Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, thời cơ thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn thách thức cũng không hề nhỏ. Để đưa đất nước đi lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta cần có sự đồng tâm, hợp lực của đồng bào cả nước, kể cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh cội nguồn – sức mạnh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả con dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó cũng chính là thực hiện lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào cả nước:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!
Thành công, thành công, đại thành công!”

Nguồn tin: Bài đăng trên tạp chí in số 3 tháng 3/2023