Xâm hại di sản

tinnongphapluat

Thứ tư - 03/01/2024 10:15

Gần đây, nhiều di tích có niên đại cả nghìn tuổi bị xâm hại nghiêm trọng nhưng việc xử lý chỉ được thực hiện khi người dân phản ánh, báo chí lên tiếng. Dù có “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì những công trình từng tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm đã bị mất đi phần nào giá trị.

Anh minh hoa

Cả nước có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trong tổng số hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê, có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.590 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 187 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập, 59 bảo tàng ngoài công lập). Trên bình diện quốc tế, đã có 29 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm: 8 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu).
Chỉ cần vào google gõ cụm từ “di sản bị xâm hại” ngay lập tức chúng ta có tới gần 25 triệu kết quả với các từ ngữ biểu đạt tính chất không thể trầm trọng hơn: “kêu cứu” – “xâm lấn” – “xâm hại” – “xẻ thịt” – “bóp nghẹt” – “bức tử” …
Câu chuyện quy hoạch “xén” vào di sản không phải là vấn đề mới. Điều này vốn dĩ đã được cảnh báo từ rất lâu. Đơn cử, vài năm gần đây, vi phạm có quy mô lớn xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các di sản tầm quốc gia, quốc gia đặc biệt và thậm chí di sản thiên nhiên thế giới. Điển hình như vi phạm ở Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Mã Pì Lèng (Hà Giang) …
Nhiều di sản thiên nhiên, kiến trúc, đô thị có lịch sử hàng triệu, hàng trăm năm bị hủy hoại bởi sự nôn nóng phát triển bằng mọi giá. Nhiều di sản bị xâm hại, làm biến dạng, mất dần hoặc đứng trước nguy cơ phá hủy hoàn toàn. Môi trường sinh thái bị đe dọa hàng ngày. Nếu mọi di sản – văn hóa, danh lam thắng cảnh đều biến dạng, méo mó, thoát khỏi môi trường sinh thái vốn có thì giá trị của nó cũng sẽ mất theo. Và, nguy cơ biến mất khỏi bản đồ di sản thế giới, di tích lịch sử – văn hóa quốc gia hoàn toàn khó tránh.
Chúng ta cần phải nhớ, phải trải qua cả trăm năm, nghìn năm, triệu năm… mới có được một di sản thiên nhiên bậc nhất thế giới hay một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng, cho đến hôm nay, nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng dân cư… còn rất “vênh nhau”, chưa có tiếng nói chung về di sản.
Phía sau “sự xâm lấn” của các công trình du lịch và dịch vụ ở các địa phương xuất hiện một lỗ hổng lớn trong phân cấp, phân quyền cho địa phương và giám sát họ thực thi các quy hoạch về phát triển, sử dụng đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm.
Đã đến lúc phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di sản, di tích là vốn quý của quốc gia. Nếu điều này không được những người cầm cân nảy mực thực hiện một cách nghiêm minh và quyết liệt, trong tương lai, sẽ còn không ít những di sản, danh thắng bị bạc đãi, xâm hại.
Hôm nay, trước mỗi di sản do thiên nhiên ban tặng hay ông cha dày công để lại, xin hãy tĩnh tâm tiếp nhận cho chặng đường tiếp sau được bình an. Bởi, đã có quá nhiều bài học mà sự nuối tiếc chẳng thể cứu vãn. Đừng tiến về phía trước trong niềm hưng phấn quá lớn, trong men say hào nhoáng với những tòa ngang, dãy dọc, những sân golf băng núi, gọt đồi, những đô thị mới, những khu nghỉ dưỡng năm sao… mà chẳng hề có ký ức, gốc gác ước vọng ra sao.
Phương Anh

Nguồn tin: Bài đăng trên tạp chí in số 3 tháng 3/2023